logo logo

list

DỊCH THEO NGHĨA ĐEN – NÊN HAY KHÔNG NÊN?

2023.03.10
Không có ai sinh ra là biết tất cả, điều này áp dụng cho mọi thứ trên đời. Con đường đến với dịch thuật cũng vậy, bắt đầu hẳn sẽ có những sai sót. Vậy sai sót mà một biên dịch viên bước đầu thường gặp nhất là gì? Với kinh nghiệm của bản thân, mình nhận thấy lỗi thường mắc phải nhất là dịch theo nghĩa đen.

Scripted by
Mai Nguyen

Dịch theo nghĩa đen là gì và một số ví dụ

Dịch theo nghĩa đen hay còn gọi là dịch sát mặt chữ, tức là câu được dịch sát với nghĩa duy nhất mà người dịch biết, không xét đến bối cảnh hay tính đa nghĩa của từ. Dịch nghĩa đen chỉ đúng về mặt chữ, nhưng khi đọc lên sẽ rất cứng nhắc, thậm chí là tối nghĩa trong một số trường hợp. Nói đến đây, mình chợt nhớ lại một phân đoạn phim trong đó các nhân vật đang ngồi trong một bàn tiệc, sau đó nhân vật nam đứng dậy nâng ly và nói “I would like to make a toast”. Phụ đề lúc này hiện lên là “Tôi muốn ăn bánh mì nướng” (I would like to eat a toasted bread). Như bao người xem khác, mình cực kỳ lúng túng vì nhìn mãi không thấy chiếc bánh mì nào và câu phụ đề trên cũng không ăn nhập gì với những gì diễn ra tiếp theo trong phim. Cũng (lại) là một lần xem phim khác, lúc này màn hình đang chiếu hiện trường án mạng, xung quanh hiện trường được rào lại bằng một dải băng có ghi “crime scene”. Lúc này phụ đề hiện lên “cảnh vụ án”. Dựa vào bối cảnh ta có thể dễ dàng hiểu “crime scene” chính là “hiện trường”, thế nhưng bằng một cách nào đó, người dịch đã không kết nối được với bối cảnh và cho ra bản dịch sát với nghĩa đen nếu không muốn nói là dịch sai. Nếu như trường hợp “bánh mì nướng” ở trên khi đứng một mình vẫn có nghĩa, thì trường hợp “cảnh vụ án” này lại hoàn toàn tối nghĩa.

“Vậy dịch nghĩa đen tức là dịch dở?”

Nói đi cũng phải nói lại, cũng có trường hợp mà theo quan điểm cá nhân, mình đề cao bản dịch sát nghĩa hơn. Đơn cử là trường hợp README, tên một tập tin có chứa những lưu ý cần thiết khi người dùng lần đầu cài đặt phần mềm trên máy tính. Có thể vì mục đích tự nhiên và dễ hiểu, biên dịch viên sẽ dịch là “hướng dẫn” (instruction) hay lưu ý (notice). Điều này xét theo tinh thần hạn chế dịch nghĩa đen thì vẫn đúng và cũng là một lựa chọn từ hợp lý. Tuy nhiên, với tư cách là một người ưu tiên tinh thần và văn phong của văn bản gốc, trường hợp này mình sẽ chọn dịch sát nghĩa, “hãy đọc tôi”. Bởi theo mình, cái tên này được đặt xuất phát từ mong muốn gợi sự chú ý của người dùng, chính vì vậy “hãy đọc tôi” thể hiện được sự cầu khiến và trực tiếp hệt như tinh thần của văn bản gốc.

Qua một số ví dụ trên, ta có thể thấy dịch sát nghĩa không phải lúc nào cũng sai, nhưng trường hợp này chỉ là số ít vì để dịch được nội dung, bất kể là ngôn ngữ nào, ta đều cần xét đến ngữ cảnh cũng như sở hữu lượng kiến thức nhất định đối với chủ đề của nội dung cần dịch. Người dịch vẫn nên hạn chế cách dịch sát nghĩa hết sức có thể trừ phi đó là dụng ý của bản thân.

“Vậy có cách nào để hạn chế dịch nghĩa đen không?”

Đầu tiên ta cần xét đến ngữ cảnh. Ở ví dụ trên mình có nhắc đến cụm từ “I would like to make a toast”. Ở đây nếu xét đến ngữ cảnh nâng ly, người dịch nên hiểu rằng nhân vật đang muốn “nâng ly phát biểu đôi lời”. Bởi vì “To make a toast” là một cụm từ biểu đạt trong tiếng Anh, trong khi nếu chỉ hiểu đơn thuần không ngữ cảnh thì “toast” cũng có nghĩa là “toasted bread” (toasted bread).

Một trường hợp thường thấy nữa đó là dịch thành ngữ. Cũng giống như cụm động từ, tiếng Anh sử dụng khá nhiều thành ngữ trong câu. Hãy tưởng tượng ai đó nói “Break a leg” với bạn! Với vốn từ vựng ít ỏi của mình, chắc bạn sẽ nhìn họ với ánh mắt kỳ lạ, “sao… sao lại muốn bẻ chân tui?” Hiểu lầm thôi! Thành ngữ này được người bản xứ bắt đầu sử dụng trong bối cảnh nhà hát. Các diễn viên nói với nhau câu “break a leg” như một lời chúc may mắn trước khi trình diễn! Từ đó đến nay “break a leg” được hiểu đơn giản là chúc may mắn (good luck)! Vậy mới thấy được tầm quan trọng của việc nắm được ngữ cảnh, cách biểu đạt và thành ngữ bạn nhỉ! Bài học rút ra là trong quá trình dịch và xem lại, nếu đọc chỗ nào thấy không hợp lý hoặc khó hiểu, chắc chắn đó là lúc bạn nên đi tra xem trong câu có sử dụng cách biểu đạt hoặc cụm động từ đặc trưng trong tiếng Anh hay không.

Một điều bạn cần lưu ý nữa là tiếng Anh không có hệ thống xưng hô theo thứ bậc như tiếng Việt. Chính vì vậy ở một số tài liệu, đại từ/tân ngữ đại từ thường được dịch đơn giản theo cách gọi phổ thông ở tiếng Việt mà không cân nhắc đến việc đối tượng đọc là ai. Vì vậy bạn cần lưu ý đến nội dung văn bản và đối tượng mục tiêu để lựa chọn cách xưng hô phù hợp nhất nhé. Lấy ví dụ một số dự án phổ biến mình thường gặp. Ở những dự án khảo sát hoặc tờ rơi yêu cầu giọng văn thân thiện, “bạn” sẽ là lựa chọn xưng hô phù hợp nhất. Tuy nhiên những dự án cần sự nghiêm túc như phiếu đồng thuận y tế, “quý vị” sẽ là cách xưng hô chuẩn và trang trọng. Hoặc đối với những dự án dịch phim hoặc truyện, ta cũng cần cân nhắc đến mối quan hệ/tuổi tác của các nhân vật để xưng hô cho đúng.

Tiếng Việt và tiếng Anh khá tương đồng về mặt cấu trúc Chủ - Vị. Tuy nhiên tiếng Việt lại không sử dụng câu bị động nhiều như tiếng Anh. Sự khác biệt này cũng là lý do nhiều bản dịch tuy đọc vào vẫn hiểu nhưng lại nghe không giống tiếng Việt lắm. Trường hợp này gặp nhiều ở các văn bản hợp đồng. Ví dụ: “Outside doors are not to be propped open under any circumstances.”, tức là “Cửa bên ngoài không được để mở trong bất kỳ trường hợp nào”. Mẹo mà mình thường dùng trong trường hợp này là đưa động từ lên đầu để nghe tự nhiên hơn. Bản dịch tự nhiên, tuân theo cách hành văn của tiếng Việt sẽ được dịch như thế này: “Do not prop outside doors open under any circumstances”, tức là “Không để mở cửa bên ngoài trong mọi trường hợp”.

Bên trên là một số trường hợp mình thường gặp trong quá trình dịch. Ngoài những trường hợp cụ thể đó, bạn cũng có thể nâng cao khả năng dịch thuật của mình bằng cách đặt bản thân vào vị thế của người đọc mục tiêu, đọc thêm sách báo để mở mang kiến thức và vốn từ vựng, tập tra cứu thường xuyên và hiệu quả hơn đối với những cụm từ lạ, và đặc biệt là đọc lại bài sau khi dịch bạn nhé. Bạn sẽ phát hiện kha khá lỗi ở bước này đấy. Đọc tới đây có thể bạn sẽ thắc mắc: Không phải chỉ cần dịch đúng nghĩa là được sao? Sao phải quan tâm đến nhiều yếu tố như vậy? Xin hãy nhớ rằng dịch đúng là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Một bản dịch vừa chính xác vừa tự nhiên mới là thành công của người dịch. Có thể tùy theo đặc trưng dự án mà bản dịch của bạn cần ưu tiên sự chính xác hay tự nhiên, tuy nhiên bản dịch có sự kết hợp của hai yếu tố này sẽ luôn được đánh giá cao hơn. Đạt được điều này, bạn sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng trong thị trường dịch thuật cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Vừa rồi là những chia sẻ về vấn đề hạn chế dịch nghĩa đen mà mình gặp trong quá trình làm công việc Biên dịch tiếng Việt cho Hansem Việt Nam. Để đúc kết được những bài học trên là không ít lần phải va chạm với nhiều loại dự án với đa dạng chủ đề từ dễ đến khó nhằn. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các anh chị leader và đồng nghiệp dễ thương, những thử thách này tuy cam go nhưng lại là kho kiến thức quý báu mà mình tích lũy được tại Hansem. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không liên hệ với Hansem Việt Nam! Chúng mình cam kết cung cấp bản dịch chính xác và mượt mà với giá cạnh tranh nhất trên thị trường!

About Hansem Global

Hansem Global is an ISO Certified and globally recognized language service provider. Since 1990, Hansem Global has been a leading language service company in Asia and helping the world’s top companies to excel in the global marketplace. Thanks to the local production centers in Asia along with a solid global language network, Hansem Global offers a full list of major languages in the world. Contact us for your language needs!

LIST